Bạn có một người bạn thân khác giới suốt ngày “cặp kè” với nhau, người ta không ghen mới là lạ đấy! Vậy phải làm thế nào bây giờ?
Những rắc rối khó giải quyết
Huyền và Huy là đôi bạn thân thiết từ khi hai đứa còn học mẫu giáo, hai đứa lúc nào cũng như hình với bóng. Cho đến khi lớn lên, người ngoài nhìn vào ai cũng nghĩ rằng họ là một đôi. Nhưng chuyện bắt đầu khác khi Huyền có người yêu, một anh chàng khác lớp. Tùng – người yêu Huyền tỏ ra rất khó chịu khi lúc nào cũng thấy Huyền “cặp kè” cùng Huy khi không có Tùng bên cạnh, dù biết mối quan hệ của hai người chỉ ở mức tình bạn. Còn Huyền thì quá ư là vô tư, vì hai đứa hơn 10 năm nay đã thân thiết như thế, chẳng thể tự nhiên thay đổi trong một sớm một chiều. Tùng tỏ thái độ không thích bạn thân của Huyền ra mặt. “Tớ chẳng biết phải làm thế nào với hai người ấy, một bên là người tớ thích, một bên là thằng bạn thân chí cốt hàng ngày đi đâu cũng có nhau. Giải thích mãi rồi mà người ta vẫn giận hoài.” - Huyền (17t) than thở.
Có một người bạn thân khác giới thật là tuyệt vời, nhưng nó sẽ bắt đầu rắc rối hơn nếu bạn có một người khác cũng quan trọng không kém - chính là một nửa của bạn đấy! Với cương vị là người yêu, người ấy dĩ nhiên là rất ghét việc bạn “cặp kè” với người ta khi không có người ấy bên cạnh, việc gì cũng réo tên bạn thân, càng không vui vẻ gì khi nghe những lời “dị nghị” của bạn vè xung quanh về mối quan hệ của bạn thân và bạn. Làm sao mà người yêu bạn chịu nổi khi nhìn bạn quá thân mật với một người bạn khác giới. Vậy phải làm thế nào bây giờ?
Cần xử lý một cách khéo léo
Bạn là người đứng giữa và là người duy nhất có mối liên kết giữa hai người bạn thân và người yêu, chỉ có bạn mới biết phải xử trí như thế nào trong tình huống này. Hãy tìm cách cư xử một cách thông minh và khéo léo nhé! Trước mặt người yêu bạn hãy nói nhiều hơn về “tình bạn đúng nghĩa” với bạn thân, nhớ phải nhắc đi nhắc lại là: “Dù bạn ấy là người rất thân, nhưng sẽ không chiếm được trái tim mình đâu mà, vì có người đã chiếm chỗ mất rồi ”… Hãy tâm sự cởi mở, kể những kỉ niệm nho nhỏ của bạn thân và bạn từ thời bé xíu, tạo thiện cảm và tạo một mối liên hệ nào đó giữa “một nửa” và bạn thân như cùng chung sở thích chẳng hạn. Nếu bạn tâm lý và biết đặt mình vào vị trí của người kia thì việc giải quyết chuyện người ta ghen với bạn thân của bạn chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.
Suốt ngày “cặp kè” với cậu bạn thân như thế này, "người ấy" không ghen mới là lạ đấy! (Ảnh minh họa)
Hàn gắn bằng những cuộc gặp gỡ
Khi người ta đã có thể “ngộ” ra điều gì đó và bắt đầu có thiện cảm với bạn thân của bạn thì hãy sắp xếp thật nhiều cuộc gặp gỡ để hai người có thể tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Đi chơi này, đi dã ngoại này (tất nhiên là phải có thêm nhiều bạn nữa đấy nhé)… Khi đó, bạn có thể có những hành động để "củng cố" mối quan hệ của bạn thân và “người ta” trước đám đông, kèm theo đó là sự thể hiện tình cảm của bạn với người ấy, như cầm tay hay dành sự quan tâm đặc biệt với người ta. “Người ta” sẽ rất vui vì được bạn đường đường chính chính công nhận tình cảm trước mặt bạn bè và những cơn ghen sẽ nhanh chóng được bạn dập tắt thôi mà.
Và tuyệt hơn nữa nếu bạn thân cũng có một nửa rồi, hãy tổ chức một buổi party nhỏ dành cho 4 người, gặp gỡ, nói chuyện để hiểu về nhau nhiều hơn. Có khi bạn thân và người ấy lại trở thành những chiến hữu tốt của nhau ấy chứ!
Công bằng cho cả hai
Với cương vị là người yêu, dĩ nhiên là người ta không thích bạn suốt ngày cặp kè với “bạn thân”, nhưng với cương vị là bạn thân, bạn cũng sẽ buồn biết bao khi một ngày đứa bạn thân thiết của mình bị một người khác tranh mất, từ chuyện gặp gỡ, đi chơi, tán chuyện… lúc nào cũng có lí do bắt đầu bằng bốn chữ: “người yêu của tớ…”, cảm giác như bị bỏ rơi vậy. Có thể bạn sẽ không có mặt với bạn thân mọi lúc mọi nơi nhưng hãy đừng thay đổi quá nhiều thói quen, vẫn nhớ những dịp quan trọng như sinh nhật này, liên hoan này… và luôn là một “bác sĩ tâm lí” kịp thời khi bạn thân buồn hay gặp những vấn đề khúc mắc. Và quan trọng hơn là làm thế nào để cho bản thân hiểu được tình cảm của bạn với người yêu, tạo thiện cảm về người ta trong mắt bạn thân và cả mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người mà bạn yêu quý nhất nữa. Có như thế, bạn thân mới có thể hiểu và thông cảm cho bạn hơn.
Bạn đứng ở giữa và mối quan hệ của người ta với bạn thân của bạn như thế nào phụ thuộc vào sự khéo léo của bạn mà thôi. Hãy là một người ở giữa công bằng để đừng làm người ta buồn mà cũng đừng làm “bạn thân” thấy hụt hẫng vì bị bỏ rơi nhé!
Theo : Channel14
Theo : Channel14
Link to full article
No comments:
Post a Comment