Friday, July 27, 2012

Phát hiện “bản sao” của Hệ mặt trời

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hệ hành tinh có cách sắp xếp giống Hệ mặt trời của chúng ta.

Tiến sĩ Roberto Sanchis-Ojeda và các cộng sự thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tiến hành phân tích những bức ảnh do kính thiên văn không gian Kepler chụp được về ngôi sao Kepler-30 nằm cách Trái đất khoảng 1.000 năm ánh sáng.

Kết quả, họ phát hiện thấy hệ hành tinh Kepler-30 có cách sắp xếp tương tự Hệ mặt trời của chúng ta.

Hệ hành tinh Kepler-30 chỉ có 3 hành tinh so với 8 hành tinh trong Hệ mặt trời, nhưng quỹ đạo của các hành tinh và đường xích đạo ngôi sao chủ Kepler-30 được sắp xếp thẳng hàng với nhau giống như cách sắp xếp quỹ đạo của các hành tinh trong Hệ mặt trời.

Hệ hành tinh Kepler-30 có cách sắp xếp tương tự Hệ mặt trời

“Đường xích đạo của Mặt trời và quỹ đạo của các hành tinh quay quanh nó gần như nằm thẳng hàng với nhau. Điều này cho thấy chúng được hình thành từ một đĩa khí xoay tròn đơn lẻ. Kết quả phân tích hệ hành tinh Kepler-30 cho thấy nó cũng có cách sắp xếp tương tự như Hệ mặt trời”, tiến sĩ Roberto Sanchis-Ojeda, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Phát hiện này đồng nghĩa hệ hành tinh Kepler-30 có khả năng cũng hình thành từ một đĩa khí xoay tròn, giống như Hệ mặt trời của chúng ta, giáo sư Drake Deming, thuộc trường đại học Maryland, nhận định về nghiên cứu của đồng nghiệp.

 

Huy Phong (Theo Daily Mail) (Khampha.vn)

Bài Viết Liên Quan


Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts