Chuyện không biết nên buồn hay vui. Cụ bà đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, tự dưng lên cơn ghen vì cho rằng người đàn ông gần 10 năm ở cùng nhà, ăn cùng mâm với mình đã phản bội nên dùng dao mai phục để… đánh ghen. Kết quả, người phụ nữ mà bà cho là tình địch của bà hứng nhiều nhát chém vào người, phải nhập viện điều trị.
Bà Y trên giường bệnh
Chuyện xảy ra tại xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Cái nghĩa 10 năm không trọn vẹn
Bà có tên là Nguyễn Thị N., năm nay đã 73 tuổi. Người ở khu vực xã Phước Tân, gọi bà theo cái tên thường gọi của người chồng đã khuất là bà Hai Rau Lang.
Hơn 10 năm trước, chồng bà Hai mất vì tai nạn giao thông. Trước khi mất, ông làm nông, tích góp gia sản cũng được ít nhiều. Ông mất đi, bà buồn hiu. Tuổi già, mất đi người đầu gối tay ấp bao nhiêu năm thì làm sao mà không buồn. Thời điểm đó, bà 63 tuổi.
Cùng xã với bà có người đàn ông tên PVĐ. Ông Đ cả đời cắm mặt vào ruộng vườn, nhà có của ăn của để. Thời thanh niên, ông và bà có biết nhau. Biết là biết vậy thôi, chứ nảy sinh tình ý hay không thì tôi không dám chắc. Bởi tôi không có đủ thông tin để xác tín chuyện này.
Như là một sự ngẫu nhiên, chồng bà mất được hơn 3 năm thì cũng là khi vợ ông Đ. mất. Trống vắng gặp nhau hay đồng bệnh tương lân, nên giữa bà và ông Đ. nảy sinh tình cảm.
Ban đầu chỉ là hỏi han, an ủi nhau. Kế đến, là ngày càng thân mật. Bà có gần cả chục người con, số con của ông Đ. cũng xâm xấp như vậy. Nên khi ông bà bày tỏ ý định về sống cùng nhau hủ hỉ tuổi sắp chiều, các con của ông lẫn bà phản đối ghê gớm lắm.
Nhưng rồi, thương bà hay than vắn thở dài. Thương ông Đ., cứ thập thò ngoài cửa, họ để cho ông bà đến với nhau.
Ông Đ. không ở hẳn nhà bà, chỉ là ăn cơm tại đó, chăm sóc bà những khi bà bị chứng cao huyết áp hành hạ. Tôi nghe chị bán hàng ngoài chợ Đồng, gần nhà bà kể rằng ông Đ. còn phong độ lắm.
Nhiều năm trôi qua, giữa bà và ông Đ. không hề xảy ra mâu thuẫn. Người thân của bà cho biết, bà với ông Đ. lớn tuổi, không còn làm việc, chỉ sống bằng tiền chu cấp của các con hai bên. Có nhiều thời gian, nên ông hay đưa bà đi chùa, đi du lịch đây đó.
Họ nói, "Tình thật thì ông Đ. đàng hoàng lắm. Cả nhà chúng tôi ai cũng quý mến ông ấy. Cho đến khi xảy ra chuyện ông ấy thậm thụt với người phụ nữ khác, nhà tôi rất ngạc nhiên. Nhưng mà thôi, chuyện trong nhà kể ra làm gì nhiều cho xấu hổ".
Vài tháng trước, ông Đ. có dấu hiệu lảng xa bà. Ông thường ra cái chòi canh ao gần đó để sinh hoạt, thi thoảng mới về nhà ăn cơm với bà. Ngoài ra, bà còn nghe lời ong tiếng ve về mối quan hệ giữa ông và người phụ nữ khác.
Người phụ nữ này không xa lạ với bà. Người ấy có tên là P.Y., em họ hàng với người chồng quá cố, gọi bà bằng chị dâu.
Bà Y. có hai người con, cả trai lẫn gái đều đã lớn. Chồng bà Y. mất đã 5 năm.
Thấy bà Y. thui thủi ở nhà một mình, con cái bận rộn, nên mỗi khi đi chùa hay có đám giỗ chạp, bà Hai đều gọi bà Y. đi cùng hoặc sang nhà chơi cho có chị có em.
Một ngày giữa tháng 4/2012, bà Hai nhận được điện thoại. Người ta báo tin cho bà rằng, bà Y. có cuộc hẹn với ông Đ. lúc 17 giờ chiều cùng ngày. Địa điểm hẹn nhau là tại cái chòi mà ông Đ. vẫn thường ra sinh hoạt.
Nhận được tin báo, bà Hai giận lắm. Bấy lâu, bà nghe thiên hạ xì xầm, bà bỏ ngoài tai. Cùng lắm, thì bà có càm ràm với ông vài câu, chứ bà không tin vào chuyện đó. Bởi lẽ, bà Y. là em chồng của bà, không lẽ bà Y. lại tước đoạt hạnh phúc cuối đời của bà.
Bà N và ông Đ.
Lý trí lẫn suy nghĩ là một lẽ, nhưng cơn ghen lại có quyền năng của riêng nó. Không nói không rằng, bà lẳng lặng xuống bếp, lấy con dao bén ngót giấu vào người rồi đi bộ đến cái chòi của ông Đ.
Rồi không biết trời xui đất khiến thế nào, mà chiều đó đúng là bà Y. có điều khiển xe gắn máy đến chòi của ông Đ.
Đang đứng rình rập trong lùm cây gần đấy, thoáng thấy bóng bà Y. cơn giận lập tức bốc lên đỉnh điểm. Bà Hai nhào từ bụi cây ra chặn đầu xe của bà Y., một tay nắm tóc, tay còn lại lăm lăm con dao.
Bà Y. hoảng sợ, quỳ xuống đất xin tha. Bà Y. lắp bắp: "Chị Hai ơi, có chuyện gì từ từ chị em mình nói với nhau. Em có làm gì đâu mà chị đòi chém đòi giết em". Mặc cho bà Y. van xin, bà Hai cứ xuống tay.
Nhát dao đầu tiên bà Hai rạch trên khuôn mặt một vệt máu dài, nhát chém thứ hai tạo nên vết thương rất sâu trên tay bà Y…
Rất may, khi bà Hai còn đang định tiếp tục phát tiết cơn giận của mình thì ông Đ. xuất hiện.
Thấy ông Đ., bà Hai nhanh chóng xìu xuống như quả bóng bị xì hơi. Ông Đ. bế thốc bà Y. đưa đi cấp cứu tại bệnh viện bỏ lại bà Hai đứng tức tối tại hiện trường.
Ông Đ. vừa quay lưng, bà Hai trút giận lên chiếc xe gắn máy của bà Y. bằng hàng chục nhát chém khác trước khi bỏ đi.
Cái ghen của người già
Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an xã Phước Tân cho biết, đợi khi bà Y. xuất viện trở về, Cơ quan Công an sẽ đưa bà Y. đi giám định tỷ lệ thương tật trước khi có hướng xử lý bà Hai.
Nhiều hôm rồi, bà Hai không gặp ai. Người thân tỏ ra kín đáo, họ nói: "Bà buồn, nên bỏ đi đâu đó chơi, không có nhà".
Hai người con của bà Y. cũng tìm đến nhà bà Hai, tỏ ý là không muốn làm lớn chuyện. Dẫu sao, cũng họ hàng. Dẫu sao, có phần bà Y. sai trái.
Còn ông Đ. ở luôn trong bệnh viện để chăm sóc cho bà Y. Chắc ông muốn bù đắp cho bà Y. sau sự việc kinh hoàng ấy.
Bà Y. trần tình rằng, vài tháng trước, ông Đ. từng nói với bà, giữa ông và bà Hai đã gần như cạn tình rồi. Minh chứng lớn nhất là chuyện ông thường xuyên ra cái chòi cạnh bờ ao để sinh hoạt một mình. Thời điểm này, ông Đ. đã 66 tuổi, chứ có ít ỏi gì.
Chiều hôm bị bà Hai “thập diện mai phục” trong bụi rậm, bà Y. có hẹn với ông Đ. là bà sẽ đến nơi ông đang ở để chở ông đi mua dây điện về thay thế đường dây điện trong nhà. Ngờ đâu, chưa kịp gặp ông Đ. như dự tính thì gặp nạn.
Thật lòng mình, tôi vẫn hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết êm thấm trong nội bộ gia đình của cả ba con người cô đơn ấy. Nói như người thân của bà Hai thì, chuyện càng nhắc đến càng đau lòng. Vì vậy, để nỗi đau dài thêm thì có được gì cho ai đâu. Hơn nữa, bà Hai đã ở vào cái tuổi cổ lai hy rồi , nói có điều mạo phạm, chứ cái tuổi chỉ còn tính tháng tính tuần ấy thì còn "chiếu chăn say đắm" gì nữa, chỉ là cần có người thủ thỉ cho lòng đỡ trống vắng.
Có lẽ, bà Hai giận vì người mà ông Đ. tìm đến lại là người có dây mơ rễ má với bà. Người đã từng chứng kiến nỗi cô đơn cũng như niềm an ủi xế chiều của bà. Chứ nếu là người khác, có khi bà Hai đã không hành xử như vậy.
Thật ra, ai mà không ghen. Già trẻ, lớn bé, xấu đẹp, đàn ông đàn bà, trí thức hay phàm phu, tiểu nhân lẫn quân tử… đều ghen. Có điều, mỗi người chọn cho mình một cách ghen khác nhau. Người già, khi mà quỹ thời gian không còn nhiều nữa, thì sự nhạy cảm trong họ lại càng tăng lên.
Trước đây tôi từng thực hiện phóng sự về những người hoang tưởng, được sự giúp đỡ của bác sĩ Đào Trần Thái, tôi có dịp tiếp xúc với những cơn ghen rất khôi hài của người già. Có cụ ông đã ngoài 70 tuổi, suốt ngày cứ lăm lăm dao trong tay, miệng lẩm bẩm: "Tui phải giết chết đứa tình nhân của bà". Bà tức là vợ của ông cụ. Mà bà tuổi đã xêm xêm ông, suốt ngày ở trong nhà. Dẫu vậy, ông vẫn cứ ám thị hình ảnh bà và tình nhân xì xầm chuẩn bị kế hoạch "thanh toán" ông để rộng đường đến với nhau. Cơm trong nhà, ông không ăn, nước trong nhà, ông không uống, bởi ông ngại bà lén bỏ thuốc độc để sát hại ông… Ông cứ vừa sống vừa thắc thỏm, vừa càu nhàu với chính mình. Mãi cho đến lúc con cái cương quyết đưa ông đi bệnh viện điều trị thì ông mới dứt được cơn ghen cuồng tín ấy.
Lại một cụ ông khác, tuổi hơn 60. Từ rất lâu, ông mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Cũng từ rất lâu, cụ bà kiếm tiền bằng thúng xôi bán ở trường tiểu học cạnh nhà.
Đang yên đang lành thì đột ngột ông lên cơn… ghen. Ông bảo, bà bán xôi chỉ là cái cớ để có thể tiếp xúc với nhân tình. Ông bắt bà không được bán xôi nữa, chiều ý ông bà bằng lòng. Đến khi bà ngưng bán xôi, thu nhập từ cái xe ôm của ông không đủ chi tiêu cho hai ông bà, bà lại phải cắp thúng xôi đi bán.
Bà bán phía trước, thì ông đậu xe ôm chờ khách ngay phía sau để… canh chừng. Khách mua xôi là các cháu tiểu học, ông cho qua. Khách mua xôi là phụ nữ, ông không quan tâm. Đến khách mua xôi là nam giới thì ông bắt đầu… cảnh giác. Khách vừa cầm gói xôi đi khuất, là ông tiến đến vặn vẹo bà đủ điều. Ông hỏi, bà vừa hò hẹn gì với khách, sẽ gặp nhau ở đâu, lúc mấy giờ…
Chịu không thấu, nặng nhẹ hết lời bà mới có thể đưa ông vào bệnh viện tâm thần để điều trị ngoại trú.
Tự dưng viết đến đây, lại nhớ đến vụ việc vừa xảy ra tại Tiền Giang. Con cái vu cho cha bị tâm thần, nên biệt giam trong căn phòng cũ. Trước khi giam, con ông đã dùng dây xích xích chân ông lại.
Tìm hiểu về vụ việc, mới biết họ kiên quyết giam ông là bởi ông mang về nhà người phụ nữ đã hơn 60 tuổi để làm bạn lúc gió quái chiều hôm. Số tuổi của ông đã gần 80.
Bị con cái ông nói ra nói vào, bà tủi thân thu xếp quần áo rồi không từ biệt ông, đi thẳng. Bà đi như chưa hề hiện hữu trong căn nhà của ông. Ông về nhà, không thấy bà. Hàng xóm bảo thấy bà đón xe đò đi. Ông nhớ mang máng có lần, bà nói với ông là bà có người bà con ở vùng Đồng Tháp Mười.
Ông vội vàng bắt xe đò với ý định xuống đó tìm bà. Nhưng, tuổi già nghễnh ngãng, ông đi lạc đến Long An.
Con cái trong nhà tụ họp, túa đi khắp nơi tìm ông. Họ bắt gặp ông đang lang thang trên con đường vắng nào đó ở Long An. Họ đưa ông về nhà, cấm ông tuyệt đối không được tơ tưởng đến bà nữa.
Buồn, chiều nào ông cũng ra sông nhìn lục bình trôi, miệng lẩm bẩm gọi tên bà. Con cái cho rằng ông có vấn đề về thần kinh, nên quyết định biệt giam ông.
Vậy đó, tuổi già nào mà lại không cô đơn. Nên thôi, trách bà Hai hành động trong lúc cuồng quẫn làm gì, tội nghiệp. Ai lâm vào cảm giác trôi tuột niềm an ủi cuối đời mà lại không uất hận.
Chuyện qua cũng đã qua, không thể níu kéo. Chuyện xảy ra đã xảy ra, không thể tư duy lại.
Nên, cứ rộng lòng với nhau. Cứ chặc lưỡi, thở dài mà thông cảm với bà Hai một lần. Bởi, sự day dứt trong thâm tâm bà đoan chắc lớn hơn rất nhiều những xét đoán mà dư luận đang rất "sẵn sàng" dành cho bà
Theo Ngô Nguyệt Hữu (An ninh thế giới)
Bài Viết Liên Quan
Link to full article