Có thể nói, áo dài là bộ đồng phục đẹp nhất của nữ sinh Việt Nam.
Chiếc áo dài từ xưa tới nay đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài được coi là đồng phục đặc trưng cho nữ sinh Việt Nam khi đến trường hay trong những buổi lễ quan trọng. Cùng nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của tà áo dài nữ sinh qua chùm ảnh dưới đây các bạn nhé...
Áo dài lần đầu tiên xuất hiện vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, tức chúa Vũ (1738 - 1765). Vào thời kỳ này, hình dáng chiếc áo dài đầu tiên đã ra đời, nó được lấy cảm hứng từ mẫu áo dài của người Chàm với chiếc sườn xám Trung Hoa. Lúc này, áo dài chưa được chọn làm đồng phục của nữ sinh mà chỉ là trang phục của phụ nữ nói chung. |
Khi những trường học chữ quốc ngữ đầu tiên thành lập tại Sài Gòn và một số tỉnh Nam Bộ, áo dài mới bắt đầu được chú ý và dần dà trở thành đồng phục nữ sinh. Người thời đó nhận xét rằng, áo dài tôn lên vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên của nữ sinh Việt. |
Năm 1922, trường Gia Long (ngôi trường lâu đời thứ hai ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1913) đã chọn áo dài tím làm đồng phục nữ sinh. Theo các thầy cô trong trường, áo dài thể hiện sự đoan trang, khiêm nhường, kín đáo của người thiếu nữ. Vì vậy, trường còn có tên gọi khác là trường Áo Tím. Sau này, chiếc áo dài tím đồng phục chuyển thành áo dài trắng với hình bông mai vàng trên ngực áo và trường cũng đổi tên thành trường Nguyễn Thị Minh Khai như ngày nay. |
Cảnh những nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế tới trường bằng đò trong chiếc áo dài. Vào thời điểm đó, áo dài trắng cùng chiếc nón Bài Thơ là hình ảnh đặc trưng của những nữ sinh ở Huế. |
Vào thập niên 70 và 80, khác với những chiếc áo dài thông thường, áo dài nữ sinh được may theo lối mini-giác-lăng, tức là cách tân từ bộ áo dài giác-lăng ra đời năm 1960 của nhà may Dung ở Dakao, Sài Gòn. Theo đó, áo dài nữ sinh được may với tà áo cao, gọn ghẽ, quần ống rộng lòa xòa phủ kín đôi chân đi kèm với guốc mộc. Xu thế áo dài này được đông đảo nữ sinh Sài Gòn ưa chuộng cho tới trước tháng 4 năm 1975. |
Một bức ảnh về áo dài nữ sinh thuộc thập niên năm 70. Áo dài trắng dần dần trở thành đồng phục của nữ sinh khắp 3 miền. Một số trường học còn đưa ra quy định mặc đồng phục: về cơ bản, nữ sinh vẫn được mặc áo trắng học trò tới trường song cứ vào mỗi thứ hai hàng tuần cũng như những dịp kỉ niệm lớn, nữ sinh phải mặc áo dài tới trường. Một số đặc trưng về mặc áo dài nổi tiếng thời bấy giờ là: áo dài trắng của nữ sinh Đồng Khánh, áo dài lam của nữ sinh Hà thành, áo dài tím của trường Gia Long… |
Ảnh chụp những nữ sinh trường Trưng Vương trong tà áo dài duyên dáng và nữ tính năm 1974. |
Các nữ sinh mặc áo dài trắng, đạp xe tới trường là hình ảnh lãng mạn, không hề hiếm thấy trong những năm đầu thập niên 70. |
Trong giai đoạn 1975 - 1979, nữ sinh không còn mặc áo dài nhiều như trước nữa. Mãi tới tận thập niên 80, phong trào đưa áo dài trắng vào nhà trường làm đồng phục mới được khôi phục, bắt đầu từ tỉnh Cà Mau. |
Hiệu trưởng Đàm Thị Ngọc Thơm cùng các cô giáo trường phổ thông trung học Hồ Thị Kỷ là những người có công lớn trong việc vận động, thuyết phục cho các nữ sinh mặc áo dài tới trường. Các cô đã giải thích những lợi ích của áo dài, kêu gọi mọi người ủng hộ, quyên góp tiền cho học sinh may áo dài… Niên khóa 1983-1984, chiếc áo dài một lần nữa trở thành đồng phục nữ sinh của trường Hồ Thị Kỷ. Quyết định này đã gây ra xôn xao lớn trong dư luận lúc bấy giờ. |
Chiếc áo dài dần được khôi phục tại các trường học lân cận. Trong thập niên 90, áo dài chính thức được công nhận là đồng phục nữ sinh đẹp nhất Việt Nam. Hình ảnh áo dài trắng cùng nữ sinh tới trường ngày một phổ biến hơn. |
Cho tới tận hôm nay, giữa cuộc sống bộn bề với guồng quay chóng mặt, áo dài nữ sinh vẫn là trang phục đặc trưng, một kỉ niệm đẹp không thể phai trong tâm trí học trò. Có thể nói, đây là bộ đồng phục đẹp nhất của nữ sinh Việt Nam trong mọi thời đại. |
(Theo MASK)
Link to full article
No comments:
Post a Comment