Sunday, April 29, 2012

Thói tự phụ của teen

Chỉ có một chút ít tài vặt, chút ít giỏi giang, họ sẵn sàng xem người khác lúc nào cũng thua kém mình.

Thói tự phụ nảy sinh từ đó, khiến họ luôn có những phát ngôn gây khó chịu và suy nghĩ sai lệch.
 
Phân biệt đối xử
 
B.Q (sinh viên năm 2 trường ĐH KHTN) luôn khiến bạn bè phải vào comment những status trên FB. Anh chàng này luôn có thái độ so sánh, phân biệt và những “phát ngôn” này dễ gây “đụng chạm” đến người khác. Điển hình như: “Đã có bằng TOEIC từ năm lớp 11 mà nay phải học chung với những đứa dưới quê lên tỉnh, dở tiếng Anh chịu không nổi”, “Học trường chuyên nên suy nghĩ đỡ hơn người khác nhiều”, “Có những cái mà từ năm lớp 12 mình đã hiểu và ý thức được, còn tụi nó, tại sao lại không thể nhỉ?”.
 
A.L (sinh viên năm 2 ĐH Ngoại Thương) chỉ thích chơi với những cô nàng có cùng “đẳng cấp” với mình (thích make up, xài điện thoại xịn, có bạn trai giàu, hay đi chơi ở những nơi sang trọng), còn những cô nàng ngoan hiền, học giỏi, thì A.L bảo rằng: “Tụi nó quá thánh thiện, mình không thể với tới”. Thực chất, lúc nào cô nàng cũng xem bản thân mình là số 1, là giỏi giang hoàn hảo, những ai thua kém, hay có những hành động gì làm phật ý A.L, cô nàng chỉ cười nhẹ: “Không sao, mình hiểu mà”. Thực chất cô nàng đang cười thầm: “Sao nó dở thế không biết” rồi mang chuyện này ta bàn tán với hội bạn thân rồi cùng cười nắc nẻ.
 
Q.P (sinh viên năm 1 ĐH Luật) có tiêu chuẩn chọn bạn trai là: “Hộ khẩu ở thành phố, có công ăn việc làm ổn định, đẹp, có tài vặt và hiểu được con gái”. Ngay khi P đưa ra tiêu chuẩn đó, bạn bè đã cảm thấy “bất mãn”: “Tại sao lại quan trọng hộ khẩu ở đâu chứ?” thì P cười: “Những ai không phải người thành phố thì có đẹp và giàu đi nữa thì tính tình cũng chẳng hợp với mình”. Điều P nói khiến cho những chàng trai trong khoa “vỡ mộng”. Không phải vì họ muốn theo đuổi P mà là hình tượng của P thoáng chốc bị sụp đổ vì tư tưởng ngạo mạn và thói khinh người của nàng.
 
 
Có thật sự “hơn người”?
 
Khi B.Q ghi status, một người bạn đã nêu ý kiến: “Mình không biết hồi cấp 3 bạn học trường chuyên nào, chỉ biết học kì vừa rồi bạn nợ 3 môn. Bớt thói khinh người khác đi. Nếu bạn ở tỉnh, chắc gì bạn đã giỏi?”.
 
Rõ ràng, những ai xem thường người khác như B.Q nói riêng và các bạn trẻ nói chung hay có những suy nghị lệch lạc, chủ quan và tiêu cực. Cái nhìn của họ chưa đủ rộng để phân tích tổng quát vấn đề. Đó là chưa kể, việc xem thường người khác rất dễ bị mọi người ghét. Đề cao bản thân một cách hoang tưởng chỉ khiến chúng ta cô đơn thêm.
 
A.L sau một thời gian chơi với hội bạn thân thì nhận ra những cô nàng trong hội đều có tính tình xấu xí, thường nói xấu, đố kị nhau. A.L hiểu ra vấn đề nên cũng dần thay đổi, thích chơi với những bạn gái ngoan ngoãn, nữ tính. Nhưng những bạn này luôn giữ khoảng cách với A.L vì lí do: “L bảo rằng mình chưa đạt được đẳng cấp như cô ấy, mình quê mùa, mình lạc hậu. Nếu thế thì làm sao chơi được với nhau”.Vì vậy, khi A.L gia nhập một hội khi họ đang trò chuyện, bàn luận, thì ngay lập tức mọi người tản đi vì không thích tính nết cô nàng. Rõ ràng, khi xem thường người khác, sẽ đến một lúc nào đó bạn cũng bị người khác xem thường.
 
Q.P khi thích một anh chàng học giỏi nhất nhì khoa, hát hay và khá giàu có thì bị anh chàng từ chối thẳng với lí do: “Mình không có hộ khẩu ở thành phố bạn ạ”. Lời nói đó khiến Q.P giật mình. Khi xem thường một điều gì đó, chúng ta có xu hướng không tìm hiểu kĩ và nhìn nhận vấn đề theo lăng kính chủ quan, để rồi khi thấy mình quá sơ hở và sai lầm, thì đã đánh mất những điều đáng quý. Vì vậy, trước khi coi rẻ một thứ gì đó, bạn hãy nghĩ rằng, không ai là hoàn hảo và bạn cũng thế. Khi coi thường người khác, chắc gì bạn đã hơn họ hoàn toàn? Tập suy nghĩ đơn giản, sống tích cực và hòa đồng, chắc chắn bạn sẽ được lòng của tất cả mọi người.
 
Theo Kenh 14

Bài Viết Liên Quan


Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts