Tuesday, May 1, 2012

Con trai và gánh nặng mang tên “phái mạnh”

Chính suy nghĩ "con trai là phái mạnh" đã đặt “gánh nặng” vô hình lên vai con trai...

Là phái mạnh thì phải ga-lăng

Đó chính là câu tuyên bố chắc nịch của Hồng Hạnh (17t) khi được hỏi về định nghĩa “phái mạnh” trong mắt cô bạn là như thế nào. Theo đó, Hạnh chia sẻ: “Đối với tớ, các bạn nam được gọi là phái mạnh, thế nên đương nhiên phải sống thật phóng khoáng và thoải mái, chứ không thể lúc nào cũng chi li tính toán từng chút một chuyện tiền nong được. Tớ không hề có ý lợi dụng bạn bè hay ki bo gì cả, nhưng chẳng lẽ các bạn ý là phái mạnh mà mỗi lần đi ăn uống lại để bên yếu hơn là con gái bọn tớ phải trả tiền thì coi có được không?”. 

Chính vì suy nghĩ “ga-lăng là điều kiện cần và đủ” ấy mà đi đâu, làm gì Hạnh đều để cho hội con trai trong nhóm “xử lý thiệt hại”, ít thì sẽ đóng nhiều hơn, còn phần nhiều là phải trả hết. Nếu các bạn nam có thắc mắc một chút thôi là sẽ bị Hạnh lôi cái lý lẽ “là con trai, là phái mạnh mà để con gái trả tiền à?” ra cự nự ngay.

Thế nên lâu dần ai nấy đều tự biết than biết phận lôi ví ra thực hiện nghĩa vụ “chủ chi” trong những lần đi chơi có mặt cô bạn. Cùng chung cảnh ngộ ấy, Tuấn Anh (18t) tâm sự: “Con trai bọn tớ ai chẳng muốn được ga-lăng trước mặt các bạn nữ, nhưng “sức người có hạn”, không phải là con trai thì bọn tớ sẽ được bố mẹ cho nhiều tiền tiêu vặt hơn để có thể cứ “khao” mãi cho những lần cả hội đi ăn được. Nhiều lúc vấn đề tế nhị này làm tớ cảm thấy rất nặng nề, thậm chí cuối tháng hết nhẵn tiền, tớ đã phải nói dối bận việc để không phải chịu cái tiếng “con trai mà chẳng ga-lăng chút nào ấy…”.


Là phái mạnh thì đương nhiên phải thật khỏe rồi

Trong lớp, Thanh Bình (16t) thường bị các bạn trêu chọc gọi là “chị” Bình, tất cả chỉ vì cậu bạn có dáng người nhỏ bé yếu đuổi và tính tình hơi đa cảm một chút. Bình buồn bã: “Tuy là con trai nhưng tớ chẳng thích ngày ngày ra sân hùng hục chơi bóng đá, bóng rổ… như các bạn nam khác một tẹo nào. Thay vào đó, tớ thích đọc và suy ngẫm những cuốn sách, tiểu thuyết… hay, và mơ ước một ngày nào đó được viết nên những cuốn sách của riêng mình. Điều đó thì có gì sai chứ? Tại sao các bạn lại vin vào cớ đó để đánh giá tớ?”.

Vẫn biết trong mắt con gái, những chàng trai khỏe mạnh, chơi thể thao siêu đẳng, hay dễ dàng một tay kê hộ con gái lại bàn ghế để trực nhật lớp… sẽ “ghi điểm” tuyệt đối. Thế nhưng, không phải con trai ai sinh ra cũng đã có được sức khỏe tốt, cũng như có rất nhiều cậu bạn chẳng ham mê thể thao như con gái tưởng đâu. Vì thế, con gái hãy nhanh nhanh bỏ ngay cái quan điểm coi con trai là khỏe nhất rồi lôi cả mấy anh chàng mọt sách yếu ớt ra làm mấy việc nặng nhọc nhé, bởi vì khi con gái cần, con trai sẽ chẳng ngại gì giúp đỡ, nhưng nếu việc ấy quá sức đối với con trai thì anh chàng ấy sẽ phải chịu “áp lực” vì sợ bị con gái cười lắm đấy.

Là phái mạnh thì không bao giờ được yếu đuối

Nếu hỏi bạn một câu: “Bạn đã bao giờ nhìn thấy con trai khóc chưa?”, đảm bảo rằng những con số được đưa ra cho câu trả lời sẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Đúng thế, trong khi con gái bọn mình mỗi khi gặp chuyện buồn bực gì đều dùng nước mắt như là một cách để “xả xì-trét”, thì con trai lại tuyệt nhiên không hoặc rất ít khi bạn thấy họ khóc. Chính vì lẽ đó mà vô hình chung, con gái tự đã tự cho rằng: “Là con trai thì phải mạnh mẽ, không bao giờ được yếu đuối, và khóc lại càng không thể”.

Tuy nhiên, con trai hay con gái, cũng đều là người, cũng không tránh khỏi có lúc tức giận, thất vọng hay buồn chán… Và những khi ấy, có bạn mạnh mẽ đứng lên, nhưng cũng có bạn trở nên yếu đuối, cần sự quan tâm của gia đình và bạn bè hơn bao giờ hết. Trong cuộc sống này, không có điều gì là không thể cả, thế nên con trai không bao giờ có thể luôn luôn cứng rắn, mạnh mẽ như con gái muốn được, và đương nhiên, họ cũng sẽ có lúc khóc giống bạn mà thôi. Vậy nên, những lúc ấy, con gái hãy một lần  thử trở thành “phái mạnh”, làm công việc mà thường ngày con trai vẫn đảm nhiệm – là chỗ dựa cho con trai, an ủi, chia sẻ, giúp con trai vượt qua khó khăn, con gái nhé.

Vẫn biết con gái chúng mình có nhiều lúc phải chịu thiệt thòi hơn con trai một chút, nhưng khi đặt mình vào vị trí của con trai, bạn sẽ thấy mỗi “phe” đều có nỗi khổ riêng của mình. Vì thế, chúng mình hãy tập mở lòng hơn một tẹo, quan tâm và thông cảm với con trai hơn, con gái nhé!
(Theo TTVN)

Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts