Tử hình là mức án mà nhiều người cho rằng xứng đáng với tính chất nguy hiểm và hành vi man rợ của các sát thủ dùng axit tấn công người khác, khiến họ phải sống quãng đời còn lại trong cảnh đau đớn, tủi hận.
Có rất nhiều nguyên nhân để người ta hất axit vào mặt người khác, nhưng dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nạn nhân sống không bằng chết trong khi kẻ thủ ác nhởn nhơ với những bản án chưa nghiêm khắc.
Sống không bằng chết
Tôi lặng người khi bước vào Khoa Phỏng-Bệnh viện Chợ Rẫy, bắt gặp hình ảnh nữ sinh viên ngành Y, N.T.T.T (25 tuổi, ngụ quận 9) đang chống chọi với những cơn đau do axit gây ra.
Axit phủ toàn bộ khuôn mặt T., vết thương đau rát và biến dạng qua từng ngày khiến ai nhìn thấy cũng xót xa. Chúng tôi không dám hỏi gì thêm khi thấy những giọt nước mắt pha lẫn máu ứa xuống đôi gò má của em.
Gương mặt thanh tú của chị T. bị hủy hoại ghê gớm bởi axit
Bên hành lang khoa phỏng, gia đình T. cho biết, sáng ngày 12-4, gia đình đau đớn nhận được hung tin em bị kẻ xấu tạt axit trên đường đến trường.
Lúc đó, T. chỉ kịp nhìn thấy một đôi nam nữ đi trên xe gắn máy trước khi ca axit văng vào mặt.
T. ngã quỵ giữa đường, cô được người dân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện quận 9 rồi được chuyển đến Chợ Rẫy với thương tật 8% tạm thời và nguy cơ giảm thị lực rất lớn.
Nằm cạnh phòng T., anh P.N.T.(28 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) cũng đang được chăm sóc đặc biệt với vết thương do axit gây ra.
Anh P.N.T đang được chăm sóc đặc biệt với vết thương do axit gây ra
Anh T đau xót kể lại: "Buổi sáng đầu tháng 4, tôi vừa ngủ dậy thì nhận được điện thoại của một thanh niên kêu đi quay phim đám cưới. Tôi tranh thủ đi mua kem đánh răng về để rửa mặt, đi gặp khách hàng cho kịp giờ hẹn. Vừa dắt xe ra khỏi nhà thì bị hai kẻ lạ mặt ép sát, hất axit vào mặt".
Theo anh T, anh không hề có mâu thuẫn với ai trong cuộc sống, trong công việc và trong tình yêu thì lại càng không thể. Anh vẫn không hiểu vì sao người ta lại ra tay tàn độc với mình như vậy.
Vụ tạt axit cả nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn và chị Phạm Thị Xuân (ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, Gò Vấp) càng đau đớn, tang thương gấp bội. Từ cuộc sống hạnh phúc, gia cảnh khá giả, giờ gia đình anh Tuấn rơi vào cảnh vợ chồng con cái ly tán, kinh tế kiệt quệ, mẹ ruột anh phải chạy ngược chạy xuôi, vay nóng đưa con đi điều trị.
Nguy cơ tàn phế đối với anh Tuấn rất cao, hy vọng tìm lại ánh sáng mà bác sĩ nhen nhóm trong anh là rất mong manh. Giờ đây, con trai anh, Nguyễn Quốc Huy Bảo, mới hơn 3 tuổi, cũng đang oằn mình chống chọi với hàng chục vết sẹo đang hoành hành trên cơ thể.
Nguy cơ tàn phế đối với anh Tuấn rất cao
Trong vụ án này, dư luận vô cùng phẫn uất khi nhìn thấy hình ảnh một gia đình hạnh phúc lại rơi vào cảnh bỉ cực, khốn cùng. Bản án nào thích đáng cho hung thủ Lâm Tiến Dũng khi y chỉ bị khởi tố tội cố ý gây thương tích?
Công an khởi tố tội giết người, tòa án xử tội cố ý gây thương tích!
Ngày 20-12-2011, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Trần Dũng (SN 1984) và 13 năm tù đối với Nguyễn Văn Hương (SN 1986 cùng ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) về tội "Cố ý gây thương tích".
Điều khiến dư luận quan tâm đó là Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khởi tố hai bị cáo nói trên tội giết người nhưng VKSND và TAND cùng cấp xử tội cố ý gây thương tích.
Nạn nhân kháng cáo đòi đổi tội danh Dũng và Hương sang tội giết người nhưng TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo của bị hại, tuyên y án sơ thẩm.
Bản án này được cho là quá nhẹ đối với hai kẻ tàn độc khi hủy hoại khuôn mặt của một phụ nữ với thương tật 96% vĩnh viễn, khiến chị sống một quãng đời còn lại như một phế nhân.
Chị K. T. với thương tật 96% do axit gây ra
Chiều 5-11-2010, chị N.T.K.T (SN 1968, ngụ ở ấp Hoà Bình, xã Đông Hoà, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang đi đón con thì bất ngờ Dũng và Hương đi xe máy từ phía sau vọt lên ép xe chị vào lề. Chị T. chưa kịp phản ứng đã bị đổ thẳng axit vào đầu, mặt, người. Gây án xong, hai tên mất tính người tăng ga bỏ chạy.
Trong khoảng thời gian từ năm 2006-2007, chị T. hợp đồng nuôi 2.500 hécta cá nước ngọt tại hồ Sông Ray (thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với Trần Anh Cường (SN 1965, ngụ ở tỉnh Khánh Hoà).
Do mâu thuẫn trong dự án nuôi cá này, Cường đã "ký hợp đồng tạt axit" chị T. với Dũng và Hương giá 52 triệu đồng. Cường ứng trước 2 triệu để hai tên này gây án, sau khi khiến nạn nhân sống không bằng chết sẽ thanh toán số còn lại.
Tuy nhiên, khi thuộc cấp sa lưới, đối tác kinh doanh sống những ngày tháng đoạn trường, Cường đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
"Tạt axit phải xử tử hình!"
Sau khi PV thông tin vụ tạt axit cả gia đình tại quận Gò Vấp-TPHCM, bạn đọc Hoài Nam (27 tuổi, ngụ Cà Mau) cho rằng: "Tạt axit phải xử tử hình mới đúng. Bởi, axit khiến người khác sống không bằng chết, nhẹ thì hủy hoại cơ thể, nặng thì mù lòa có khi dẫn đến chết người. Mức án dành cho những kẻ hủy hoại khuôn mặt người khác mà tòa án xử trong thời gian quan chưa xứng đáng với hành vi và tính chất dã man của các bị cáo gây ra".
Bạn đọc Nguyễn Xuân Khánh bức xúc: "Theo tôi hãy xử kẻ giết người tàn độc này ở mức án cao nhất để làm gương cho xã hội. Yếu tố nhân thân "gia đình giàu truyền thống cách mạng; có cha, anh và em công tác trong ngành công an…" không thể làm căn cứ để giảm bớt tội trạng của y. Trong vụ tạt axit này, theo tôi thấy, mức độ còn tàn ác và vô nhân tính thể hiện rất rõ vì kẻ thủ ác không tha cả đứa trẻ vô tội. Thiết nghĩ phải loại y khỏi đời sống xã hội mới thuyết phục và răn đe những người khác".
Phẫn nộ khi nhìn thấy những hình ảnh gia đình nạn nhân đau đớn với những cơn đau, cháu bé 3 tuổi oằn mình với những vết thương, bạn đọc Công Lý nhận định: "Nếu ai dùng a-xít trong các cuộc xung đột sẽ bị án chung thân hoặc tử hình. Vì đã dùng a-xít là hủy hoại đời sống đồng loại, dù người bị hại không chết nhưng cuộc sống gần như khép lại với họ rồi. Như trường hợp gia đình anh Tuấn, dù các nạn nhân có sống cũng không còn thấy ánh sáng mặt trời nữa, còn khổ nào hơn như thế. Nhất là cháu bé có tội gì đâu mà phải chịu cảnh mù lòa, tối tăm".
Sâu sắc hơn, bạn đọc Dân Sài Gòn chia sẻ: "Pháp luật được tạo ra không chỉ để trừng trị người phạm tội mà còn phải có tác dụng răn đe với những người "có ý định phạm tội". Nếu không có tác dụng răn đe này, thì pháp luật chỉ đóng vai trò "giải quyết hậu quả" chứ không có vai trò "kiểm soát hành vi". Nếu hình phạt nhẹ hơn tội ác gây ra thì những kẻ thủ ác sẽ không sợ và những hành vi man rợ này sẽ có khả năng tái diễn.
Theo Phạm Dũng (Người Lao Động)
Bài Viết Liên Quan
- Khởi tố kẻ tạt axit tàn độc cả gia đình
- Xót lòng người phụ nữ bị axit hủy hoại
- Xem phim “đen”, 3 trai làng giở trò đồi bại
- Cướp hơn 40 cây vàng giữa ban ngày
- Trốn trại tạm giam để.. đi chơi với người yêu
- Kẻ làm thuê hiếp dâm chủ nhà giữa ban ngày
- Kẻ bịt mặt cưỡng hiếp vợ chủ tiệm vàng
- Giám đốc bị tố “đãi khách” bằng nữ nhân viên
- Nữ sinh tố bị thầy tước “cái ngàn vàng”
- Vừa mátxa vừa móc túi còn giở trò chế giễu
Link to full article
No comments:
Post a Comment