Hơn một tháng nay, thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi luôn “sống trong sợ hãi”, bởi hàng chục trường hợp mắc bệnh, có người bị tử vong ở hai xã miền núi này vẫn chưa có lời giải.
Ông Đinh Văn Bum – Trưởng trạm y tế xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà – cho biết, tính đến ngày 12/4, tại thôn Làng Riềng đã có 3 người chết, khoảng 50 người bị các triệu chứng như mờ mắt, khó thở, đau đầu, tê buốt chân tay. Nguyên nhân ban đầu được Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đoán định là do ngộ độc thuốc diệt cỏ Kanup 480SL, xuất xứ từ Mỹ, do Cty TNHH Việt Thắng (tỉnh Bắc Giang) nhập khẩu và xuất bán ra thị trường. Khi sử dụng thuốc này để phun cho các rẫy mì (sắn), người dân bất cẩn, không tuân thủ đúng quy trình nên bị thuốc ngấm vào cơ thể, dẫn đến ngộ độc, tử vong.
Song, cũng có giả thiết cho rằng, “sát thủ” là nguồn nước ngầm tự chảy dùng chung cho cả xóm đang “có vấn đề”. Bởi, điểm lấy nước sinh hoạt của 11 hộ dân trong thôn chỉ cách khu dân cư chừng 500 mét, nằm lưng chừng giữa những rẫy keo, rẫy mì, che chắn rất sơ sài nên không lấy gì làm đảm bảo. Quá lo sợ, các hộ dân tức tốc đào giếng tại các đám ruộng quanh nhà để tìm nguồn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các giếng nước này chỉ sâu từ 1m đến 2m nên giả định nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm thì vô cùng nguy hiểm.
Hiện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu nước ngầm tại thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ gửi vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cũng đã cử 2 đoàn công tác về thôn Làng Riềng và thôn Làng Treng để khám, xét nghiệm máu và cấp thuốc cho người dân trong vùng; đồng thời, khuyến cáo bà con nên đào giếng hoặc đi lấy nguồn nước từ nơi khác về sử dụng. “Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, chúng tôi cũng chỉ biết khuyên bà con tạm thời không dùng nguồn nước tự chảy để nấu ăn mà nên lấy nước ở các làng kế bên”- bác sĩ Đặng Minh Hoàng – GĐ TT Y tế huyện Sơn Hà – cho biết.
Có chữa được bệnh “lạ”?
Trong tháng 4/2012, bệnh viêm da “lạ” tiếp tục quật ngã 5 mạng người tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Lần này, nạn nhân là các cháu nhỏ. Gần đây nhất là cháu Phạm Ngọc Nhi – 4 tuổi. Trước đó, khi phát hiện ra bệnh, gia đình đã đưa cháu Nhi vào BV Phong-Da liễu Quy Hòa, Bình Định cứu chữa nhưng không qua khỏi. Đáng lo ngại là bệnh “lạ” này đang có xu hướng lan rộng ra các xã lân cận như Ba Ngạc, Ba Tô, khiến người dân không ngớt lo sợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tân – GĐ BV Phong-Da liễu Quy Hòa - hầu hết các ca bệnh nhập viện đều có các triệu chứng như rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, xuất huyết máu nên rất khó cứu chữa. Còn nhớ, tháng 6.2011, đoàn công tác của Bộ Y tế đã về xã Ba Điền tìm hiểu căn bệnh “lạ” này. Dù không gọi đúng tên bệnh, nhưng một kết luận được đưa ra ở thời điểm ấy là, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi hẳn nếu phát hiện sớm.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 63 trường hợp mắc bệnh tại địa phương hoặc đang được điều trị tại BV Phong – Da liễu Quy Hòa, khiến người dân không khỏi hoang mang. Lần này, Bộ Y tế tiếp tục cử một đoàn công tác về lại địa phương để nghiên cứu bệnh “lạ”.
Người dân hy vọng đây sẽ là lần cuối cùng để “khai tử” căn bệnh “lạ”, gây chết người này ra khỏi địa phương để họ an tâm sinh sống, làm ăn.
Theo Phạm Khang
Lao Động
Bài Viết Liên Quan
- Tai nạn chùm, 4 người thương vong
- Tử vong vì đi ngang đường sắt lúc tàu hỏa lao tới
- Bạc Liêu: Xe tải va xe máy, 2 phụ nữ chết tại chỗ
- Chết thảm vì đi vệ sinh trên đường ray
- Một can phạm chết trong nhà tạm giam
- Sự thật chuyện ăn thịt “rùa thần” phải chết
- Chìm xuồng, 6 người thiệt mạng
- Xe máy chui gầm container, 1 người chết thảm
- Bị cửa sắt kẹp đầu, bé 4 tuổi chết thảm
- Nhẫn tâm cướp ví, lấy xe của người bị tai nạn
Link to full article
No comments:
Post a Comment