Hoàng Dung trong truyện và trên màn ảnh nhỏ
Hoàng Dung là con gái của đảo chủ đảo Đào Hoa - Đông Tà Hoàng Dược Sư và Phùng Hành. Thừa hưởng sắc đẹp và trí thông minh của mẹ nhưng vì từ nhỏ sớm mồ côi nên tính cách nàng hình thành giống hệt cha - nhanh trí, lém lỉnh nhưng cũng rất cổ quái, thích làm việc theo ý mình. Trên người Hoàng Dung mặc Nhuyễn Vị Giáp khiến cho những kẻ háo sắc không thể đến gần và cô sở hữu môn võ nổi tiếng Đả Cẩu Bổng Pháp. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Kim Dung không giới thiệu rõ Hoàng Dung sinh năm bao nhiêu mà chỉ ước chừng nàng kém Quách Tĩnh khoảng 2 hoặc 3 tuổi. Sang tới phần Thần Điêu Hiệp Lữ và Ỷ Thiên Đồ Long Ký, tính cách của nàng lại có nhiều thay đổi rõ rệt. Lúc này, Hoàng Dung đã kết nghĩa phu thê với Quách Tĩnh, mang tư cách một bang chủ và trở thành một người vợ, người mẹ chín chắn.
Mễ Tuyết (trên), Ôn Mỹ Linh (trái) và Trần Ngọc Liên trong các bản năm 1976, 1983 và 1988
Trên màn ảnh Hoa ngữ từng không dưới 10 lần xuất hiện chuyển thể điện ảnh và truyền hình của tác phẩm Anh hùng xạ điêu. Tuy nhiên trong đó để lại ấn tượng sâu đậm nhất với khán giả là các phiên bản năm 1976 của Mễ Tuyết, năm 1983 của Ôn Mỹ Linh, Trần Ngọc Liên (1988), Chu Ân (1994) và gần đây là Châu Tấn (2003), Lâm Y Thần (2007).
Mặc dù mỗi đạo diễn lại có phong cách xây dựng nhân vật khác nhau nhưng đặc điểm chung dễ dàng nhận thấy ở các diễn viên vào vai Hoàng Dung là đôi mắt sáng, to đen thông minh. Bên cạnh đó là giọng nói thật trong trẻo, dứt khoát và cử chỉ tự tin, phóng khoáng. Hội tụ những đặc điểm tiêu biểu này, Châu Tấn đã trở thành nhân vật vào vai Hoàng Dung thành công nhất (theo đánh giá của số đông khán giả). Từ đôi mắt lúng liếng cho đến cử chỉ chun mũi giận hờn của cô đều hoàn toàn phù hợp với hình tượng gốc trong tiểu thuyêt.
Châu Tấn được phần lớn khán giả bình chọn là "Hoàng Dung đích thực"
Về “điểm trừ” của các tạo hình Hoàng Dung, có chăng đó chỉ là cảm nhận đơn phương từ một nhóm khán giả khó tính. Đó có thể là nhận xét về cặp lông mày quá sắc sảo của Mễ Tuyết, sự yếu đuối nhu mì thái quá của Ôn Mỹ Linh hay màn “lột xác” khó hòa hợp của Trần Ngọc Liên (người từng vào vai Tiểu Long Nữ năm 1980). Xét về diễn xuất, Hoàng Dung do Lâm Y Thần thủ vai bị khán giả Trung Quốc “ném đá” nhiều nhất vì thiếu chiều sâu nội tâm. Tuy nhiên, đổi lại thì phiên bản này lại nhận được nhiều lời khen về dung mạo trẻ trung của nhân vật phù hợp với tính cách lém lỉnh, tinh nghịch của Hoàng Dung.
Theo Kim Dung miêu tả, Quách Tĩnh là người chậm chạp, ngốc nghếch nhưng chăm chỉ , dũng cảm và hay làm việc nghĩa. Tất cả những tính cách này thể hiện ngay từ tên gọi của chàng và trực tiếp đối lập với con người của Hoàng Dung. Khi Quách Tĩnh chưa trở thành đại hiệp, Hoàng Dược Sư không đồng ý để gả con gái cho chàng. Ông cho rằng Quách Tĩnh vừa không có trí thông minh, bản lĩnh mà dung mạo cũng kém Âu Dương Khắc (con trai Âu Dương Phong - người tới đảo Đào Hoa dạm hỏi cưới Hoàng Dung nhưng không thành) nhiều phần.
Câu chuyện tình yêu của Hoàng Dung và Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu thể hiện quan niệm tình yêu không rào cản
Nếu so sánh điều kiện gia thế, dung mạo và tài nghệ của Quách Tĩnh và Hoàng Dung thì ở bất kỳ thời đại này, đáp án vẫn là không tương xứng. Vậy nhưng, trong mắt “tiểu yêu nữ”, mọi quy luật lại được đảo ngược trên tiền đề phẩm chất đạo đức. Từ ấn tượng ban đầu khi gặp gỡ - Hoàng Dung tò mò trước chàng trai thật thà hiền lành nên đã kết giao trò chuyện. Sau đó, càng tiếp xúc thì nàng càng phát hiện được thêm nhiều đức tính cao đẹp của Quách Tĩnh. Dần dần, họ nảy sinh tình cảm và ngày càng gắn bó hơn sau những thử thách gian truân.
Tạo hình Quách Tĩnh do Trương Trí Lâm (trái), Hồ Ca và Lý Á Bằng (dưới) nhận được những đánh giá khác nhau
No comments:
Post a Comment